Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Không dễ để thực hiện việc mua bán nợ xấu bây giờ

Giải pháp mua bán nợ xấu.


Để giải quyết nợ xấu, yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng là phải minh bạch trong vấn đề xác định nợ xấu. Hiện đang tồn tại một thực tế là có những ngân hàng không công bố nợ xấu sát với thực tế. Do đó, tiêu chí phân loại nợ xấu cần phải rất chuẩn mực và đồng nhất, chứ không thể cùng một khoản nợ mà ngân hàng này cho là nợ xấu, ngân hàng kia thì không.

Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ luật với những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những ngân hàng vi phạm. Chẳng hạn, khi phát hiện ngân hàng đảo nợ hoặc cố tình che giấu nợ xấu, NHNN có thể áp dụng biện pháp kỷ luật như: hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế mở mạng lưới hoặc những quy định về dự trữ bắt buộc. Hiện tại, chưa có ngân hàng nào bị xử lý do không phản ánh đúng nợ xấu.

Có ý kiến cho rằng, để có thể đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng, Nhà nước nên vào cuộc. Cụ thể là Chính phủ đứng ra mua lại những khoản nợ xấu đó, lành mạnh hóa nó rồi sau đó bán lại. Về mặt tinh thần thì đúng, nhưng khi thực hiện sẽ khó, bởi nếu Chính phủ mua nợ xấu của một ngân hàng A với giá thấp sẽ gây ảnh hưởng lên định giá nợ xấu của ngân hàng khác. Trong khi đó, chưa chắc các ngân hàng đã mặn mà với giải pháp này.

Ví dụ điển hình là thời điểm khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009, chính phủ Mỹ có đưa giải pháp mua nợ của các ngân hàng, nhưng không hiệu quả, bởi mấy lý do sau. Thứ nhất, không ai dám bán, vì bán sẽ lộ ra là mình có nợ xấu. Thứ hai, chắc chắn chính phủ muốn mua nợ xấu với giá có lợi cho đất nước; nhưng nếu giá quá thấp thì các ngân hàng không đồng ý, do sẽ phải chịu một khoản lỗ rất lớn cho khoản nợ đó. Do đó, Chính phủ Mỹ cuối cùng đã phải đưa ra giải pháp Ngân hàng Trung ương bỏ tiền mua lại cổ phần của các ngân hàng để vực lại niềm tin.

Bên cạnh đó, với giải pháp mua nợ xấu, Chính phủ cần phải bỏ ra một lượng vốn khá lớn. Tính bình quân, các chính phủ thường tiêu tốn khoảng 13% giá trị GDP khi tái cơ cấu hệ thống tài chính. Con số này trên thực tế có khả năng lớn hơn đối với một số nước, ví dụ Chính phủ Indonesia tiêu tốn 50% giá trị GDP hay hơn 30% tại Thái Lan hoặc nhỏ hơn như Malaysia, khoảng 5%.

Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại nợ xấu của các chính quyền địa phương, do bản thân các chính quyền địa phương vay rất nhiều, dùng khoản tiền đó để đầu tư vào các dự án trung - dài hạn, mà khoản vay lại là ngắn hạn. Đến lúc chính quyền địa phương không trả được nợ, thì tình hình nợ xấu của các ngân hàng tại Trung Quốc cũng sẽ khó kiểm soát.

Điều kiện nào thì việc mua lại nợ xấu mới đạt hiệu quả?


Việc mua lại nợ xấu thông qua các công ty mua bán nợ (AMC) chỉ hiệu quả khi thỏa mãn các điều kiện sau. Thứ nhất, sự mong muốn và hỗ trợ của Chính phủ là hết sức quan trọng để đảm bảo thành công cho các công ty mua bán nợ. Thứ hai, sự hỗ trợ về mặt tài chính của Chính phủ bằng việc cấp vốn trực tiếp. Nếu AMC phát hành trái phiếu, các trái phiếu này cần sự bảo lãnh của Chính phủ.

Thứ ba, thị trường vốn cần hoạt động hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc định giá và mua bán nợ. Đồng thời, các quy định pháp luật cũng cần cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại nợ từ AMC. Thứ tư, thời hạn hoạt động của AMC cần được xác định để đảm bảo AMC không ôm nợ xấu trong thời gian dài do không dám chịu lỗ khi bán ra, nhưng đồng thời, thời gian cũng đủ dài để AMC có đủ thời gian để giải quyết nợ xấu.

Thứ năm, tính minh bạch cao. AMC cần thường xuyên công bố kết quả hoạt động và kết quả kiểm toán để thị trường có thể hiểu rõ tình hình thực tế. Thứ sáu, xử lý nhanh. Chờ thị trường đảo chiều để giảm lỗ thường dẫn đến làm chậm quá trình xử lý nợ và gây nên lỗ lớn hơn. Cuối cùng, hoạt động mua bán nợ nên diễn ra khi thị trường không bị quá hoảng loạn, vì nếu như thế thì chắc chắn không ai dám bán và càng bán, giá càng xuống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét