Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Doanh nghiệp khốn đốn vì ngân hàng thủ thế

Ông Nguyễn Minh Quang - (Đại biểu Quốc hội Hà Nội) - “Các DN vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải “đi đêm” mới vay được tiền, thì chúng tôi hiểu mình đã “chết” đến nơi rồi”.

Hôm qua, 24-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2012.

Tránh những cú sốc mới


Xét trên bình diện vĩ mô, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tỏ ra lo lắng khi lạm phát liên tục được kéo xuống và sức mua giảm quá mạnh. Ông nêu vấn đề: “Phải chăng thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thiếu “máu”, sức mua giảm quá mạnh. Ngân hàng “thủ thế” quá kỹ càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ”. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, tình hình hiện nay, Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Bởi nếu GDP giảm sút, số thất nghiệp sẽ tăng mạnh và từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%.

Về các giải pháp điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm, các ĐBQH bày tỏ sự tán thành. ĐB Trần Du Lịch nói, ông hoàn toàn ủng hộ Chính phủ đề xuất miễn giảm thuế dù giải pháp này là lựa chọn khó khăn của Quốc hội. Ông phân tích: “Miễn giảm thuế có thể làm giảm thu 2012, nhiều công trình phải chậm lại. Nhưng nếu không gỡ khó cho DN thì năm 2013 nguồn thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Hàng triệu DN, hộ kinh doanh cá thể đang trông chờ vào quyết định của Quốc hội. Phải tồn tại thì mới tái cấu trúc nền kinh tế được”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng cho rằng, Chính phủ cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Cùng với đó, phải đồng bộ 3 giải pháp: hỗ trợ DN, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực mà Chính phủ có thể kiểm soát. Ông nói: “Nền kinh tế đang hết sức khó khăn, các DN co cụm, nên nếu không triển khai các giải pháp thì cũng không thể thu thuế được”. Tán thành tạo điều kiện cứu DN, song ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng cảnh báo: “Nếu không thận trọng, không có bước đi, quản lý chặt chẽ, sẽ phản tác dụng. Trong gói cứu trợ DN, nếu không minh bạch sẽ sinh ra cơ chế xin - cho, chạy, lách luật... Khi đó, sẽ tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, anh chết cứ chết, anh khỏe lại khỏe thêm. Như thế, khác nào thêm cú sốc mới, đặc biệt cho DN vừa và nhỏ...”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nhìn nhận, tình hình đất nước đang rất khó khăn, đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh lập trường của Chính phủ: “Chính phủ thể hiện quyết tâm trên cơ sở tính toán khoa học và các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để giữ lời hứa với Quốc hội, không đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội...”. Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các vị ĐBQH đóng góp ý kiến, hiến kế giúp Chính phủ những giải pháp mới trong điều hành. Ông nói: “Chính phủ không chủ quan. Bởi nếu cầm cương lỏng, không khéo léo, lạm phát rất có thể sẽ quay trở lại, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu phát triển bền vững...”.

Cần những giải pháp mạnh hơn


Bàn sâu về tình hình kinh tế, nhiều ĐBQH là doanh nhân đã lên tiếng kể về thời kỳ lao đao của các doanh nghiệp (DN). ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Hà Nội phàn nàn: “Kiềm chế lạm phát kéo theo nhiều hệ lụy. DN phá sản tăng cao, lượng hàng tồn kho tăng nhanh từng tháng nên DN mong từng giờ, từng phút Chính phủ có giải pháp hỗ trợ...”.

Đánh giá báo cáo của Chính phủ “vẫn nhiều màu hồng”, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội), Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nói: “Tôi giật mình khi biết rằng mình sắp nguy tới nơi...”. Ông kể tiếp: “Thời gian qua, các DN vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải “đi đêm” mới vay được tiền, thì chúng tôi hiểu mình đã “chết” đến nơi rồi. Không vay được tiền cũng “chết” nhưng vay được với kiểu như trên cũng như uống một liều thuốc độc, càng chết nhanh hơn... Chính phủ cần có những giải pháp mạnh hơn để cứu các DN đang hấp hối”. Một số ý kiến khác cũng đồng ý rằng, lãi suất tuy công bố giảm nhưng vẫn còn cao và DN rất khó vay ngân hàng.

Chia sẻ với các DN, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lại bức xúc với ngân hàng: “Nền kinh tế như thế này mà cho ra đời hàng trăm tổ chức tín dụng là bất bình thường. Trong khi DN đứng bên bờ phá sản thì các ngân hàng vẫn lãi cao, lương cao, sống khỏe và nhởn nhơ như không. đề nghị xem xét có lợi ích nhóm trong chuyện này không”. ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng đánh giá phản ứng của các cơ quan quản lý rất chậm: “Giờ mới xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng, đến khi nào mới xem xét, giải quyết được...”.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

TP Hồ Chí Minh: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn


Vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò quyết định trong cơ cấu vốn huy động của doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên tại TP Hồ Chí Minh, hiện rất ít DNNVV nhận được nguồn hỗ trợ từ kênh tài chính này.

Khát vốn sản xuất


Công ty TNHH TM Dịch vụ & Quảng cáo Phát Niên Giám ở đường Võ Thị Sáu, quận 3 là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực đa ngành nghề. Năm 2012, DN quyết định phát triển thêm lĩnh vực thương mại nhưng lại thiếu vốn triển khai. “Do năng lực tài chính hạn chế, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng rất khó khăn, có thể nói các DNNVV đang là những đơn vị chịu tác động nặng nề nhất. Thực tế là khi kinh doanh khó khăn thì báo cáo tài chính không “đẹp”. Trong khi đó, phía ngân hàng luôn đòi hỏi DN phải có báo cáo tài chính tốt cũng như phải có tài sản để thế chấp”, anh Lâm Hiền Phước, Giám đốc DN than.

Thống kê của ngành thuế, 3 tháng qua thành phố đã có 5.012 DN ngưng hoạt động, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ, bao gồm: 1.725 DN chờ làm thủ tục phá sản, 1.198 DN bỏ trốn hoặc mất tích… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của DN. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây, có hơn 50% số DN kinh doanh kém có hệ quả sâu xa từ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Trong khi DN, đặc biệt DNNVV đang khát vốn làm ăn, có một nghịch lý đang diễn ra tại nhiều ngân hàng là nguồn tiền dư thừa nhưng lại không thể cho vay. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến thời điểm tháng 3, tiền gửi khách hàng tăng thêm 1,4% nhưng dư nợ cho vay của toàn ngành tiếp tục giảm thêm 2% so với cuối năm 2011. Chính do nguồn tiền không giải ngân được trong các dự án vay vốn, đã dẫn đến việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành quí một vừa qua đạt chỉ số âm.

Gỡ khó cung- cầu vốn


Theo các chuyên gia kinh tế, để giúp DNNVV và ngân hàng tháo gỡ được nút thắt trong vay vốn hiện nay rất cần vai trò chủ động từ chính các tổ chức tài chính. Cụ thể, ngân hàng cần nhanh chóng phát triển đồng bộ nhiều sản phẩm cho vay, vừa tăng cường huy động nguồn. Đặc biệt cần phát triển những sản phẩm để giúp DN đang thiếu các điều kiện nhưng vẫn có thể vay được vốn. Việc kết hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp… cũng là một trong các cơ sở hạ lãi suất cho vay. “Thực tế tại Ngân hàng HD, bên cạnh việc xem xét lại cơ cấu nợ, giãn nợ… cho DN, chúng tôi đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp cụ thể như: ưu đãi tín dụng cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; giảm lãi suất thêm 2%/năm với thời hạn vay tối đa 5 năm và số tiền vay tối đa 5 tỷ đồng… ”, ông Phạm Thiện Long, Phó TGĐ Ngân hàng HD cho biết.

Ở một góc độ khác, Ngân hàng Nhà nước vừa cam kết sẽ tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm tạo điều kiện tối đa DN được ưu tiên về vốn vay. Nếu điều kiện vĩ mô cho phép, đến cuối năm 2012 dự kiến mức lãi suất huy động sẽ còn 10 - 11%/năm góp phần hạ lãi suất cho vay giảm tương ứng. Hiện các DN vừa và nhỏ vẫn đang chờ các hỗ trợ từ phía Chính phủ, điều DN mong mỏi là sớm có giải pháp kịp thời, nhanh chóng giúp họ có vốn hoạt động. Theo anh Phước, điều cần làm lúc này là tháo gỡ khó khăn từ phía bảo lãnh vay vốn. Riêng bản thân DN, trong lập dự án kinh doanh cần nêu rõ những khó khăn và thuận lợi, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch trả nợ, yếu tố khả thi cao… cũng như phải có báo cáo tài chính khách quan, minh bạch để thuyết phục được ngân hàng cho vay.